9 cách phòng chống đột quỵ đơn giản và hiệu quả
Đột quỵ (tai biến mạch máu não) tuy là bệnh nguy hiểm, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể phòng tránh được nếu có lối sống khoa học và ăn uống lành mạnh. Theo dõi bài viết để nắm rõ 9 cách phòng chống đột quỵ cực đơn giản, áp dụng ngay tại nhà.
Mục lục
Vì sao cần phòng chống đột quỵ càng sớm càng tốt?
Đột quỵ (hay còn gọi là tai biến mạch máu não) là tình trạng não bộ bị tổn thương do dòng máu cung cấp cho não bị tắc nghẽn hoặc bị vỡ, dẫn đến tình trạng các tế bào não bắt đầu chết dần do bị thiếu hụt oxy và dinh dưỡng cung cấp.
Đây là bệnh lý cấp tính thường xảy ra đột ngột, nếu không được cấp cứu kịp thời có thể ảnh hưởng đến tính mạng, để lại nhiều di chứng như: liệt mặt, mất khả năng vận động, tàn tật vĩnh viễn hoặc tạm thời, mất nhận thức, mất khả năng giao tiếp, suy giảm trí nhớ, đồng thời ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý người bệnh.
Đột quỵ là một trong những bệnh lý thần kinh nguy hiểm nhất.
Tuy nhiên điều may mắn là bệnh đột quỵ có thể được kiểm soát nếu chúng ta duy trì sống lành mạnh và chủ động áp dụng các biện pháp hữu ích.
Các cách phòng chống đột quỵ tai biến đơn giản mà hiệu quả
Dưới đây là những phương pháp mà ai cũng có thể thực hiện để ngừa đột quỵ:
Hạn chế ăn mặn
Bạn có biết việc ăn mặn (vượt quá 5g muối/ngày) trong thời gian dài có thể gây tăng huyết áp, lâu ngày khiến thành mạch càng dễ bị tổn thương, dẫn đến các bệnh tim mạch và đột quỵ. Để phòng ngừa bệnh tật, mỗi người cần tập thói quen giảm muối trong khẩu phần ăn bằng các cách dưới đây.
Về gia vị:
- Giảm muối, hạt nêm, nước mắm khi nêm nếm và chế biến thực phẩm.
- Bỏ thói quen chấm ngập thức ăn vào các loại nước chấm.
- Ưu tiên sử dụng nước mắm giảm mặn với bảng thành phần chứa ít muối. Hãy an tâm vì trên thị trường hiện nay vẫn có nhiều dòng sản phẩm nước mắm chứa ít muối nhưng về mùi vị vẫn thơm ngon, đảm bảo hài hòa cho món ăn thêm hấp dẫn.
Về thực phẩm:
- Hạn chế lựa chọn các thực phẩm chế biến sẵn như: mì tôm, xúc xích, giò chả, thực phẩm đóng hộp…
- Giảm món ăn mặn như các loại khô, các loại mắm, dưa muối…
Khuyến cáo nên nấu cơm nhà để chủ động kiểm soát lượng muối trong món ăn.
Ăn nhiều rau xanh và hoa quả
Chế độ ăn uống nhiều trái cây và rau xanh giúp giảm nguy cơ đột quỵ. Bởi chúng là nguồn chất xơ dồi dào và các chất chống oxy hóa giúp ngăn chặn việc hình thành tích tụ mảng bám động mạch, từ đó giảm thiểu nguy cơ đột quỵ.
Theo khuyến cáo, mỗi người nên ăn 400g rau xanh và trái cây mỗi ngày. Hãy ưu tiên các loại như: cải bó xôi, rau dền, rau muống, rau ngót, khoai tây, cà chua, súp lơ trắng… và trái cây như cam quýt, dâu tây, việt quất, mâm xôi, táo, lê, chuối…
Phòng chống đột quỵ cực đơn giản bằng một ly nước ép rau quả mỗi ngày.
Đi bộ 30 phút mỗi ngày
Đi bộ giúp giảm áp lực động mạch của toàn bộ hệ thống tuần hoàn, kiểm soát huyết áp tốt hơn, từ đó phòng tránh bệnh tim mạch và các cơn đột quỵ không mong muốn. Một nghiên cứu được thực hiện trên gần 40.000 phụ nữ trong thời gian 12 năm cho thấy đi bộ khoảng 2 giờ/tuần giúp giảm nguy cơ đột quỵ 30%, theo đó đi bộ nhanh có thể giảm gần 40% nguy cơ.
Để đi bộ đạt hiệu quả tốt nhất, trước tiên bạn bạn cần khởi động nhẹ nhàng, sau đó đi chậm khi mới bắt đầu và khi kết thúc trong thời gian khoảng 5 phút. Đồng thời, hãy giữ tư thế đi bộ luôn thẳng, không khom lưng, không chúi người ra phía trước hay ngửa ra phía sau. Chân tiếp đất phải bắt đầu từ gót rồi đến cả bàn chân, cuối cùng là mũi chân, cứ thế bước đều liên tục.
Duy trì thói quen đi bộ 30 phút hàng ngày giúp người cao tuổi tăng cường sức khỏe, phòng tránh đột quỵ hiệu quả.
Không hút thuốc lá
Hút thuốc làm tăng nguy cơ đột quỵ bằng cách thu hẹp các động mạch trong não và các động mạch cảnh ở cổ dẫn đến não. Tình trạng này có thể dẫn đến tắc nghẽn mạch máu - biểu hiện của đột quỵ. Các nghiên cứu còn chỉ ra hút thuốc lá và thuốc lá điện tử làm tăng gấp đôi nguy cơ đột quỵ ở người trẻ tuổi.
Nói không với hút thuốc lá cũng là cách phòng chống đột quỵ đơn giản nhất. Đối với những người đang có thói quen hút thuốc lá hãy tập cai dần, hãy kiên trì và đừng bỏ cuộc.
Sống lành mạnh, không hút thuốc và dùng các chất kích thích để căn bệnh đột quỵ không ghé thăm.
Điều trị bệnh liên quan ngay từ sớm
Một số bệnh lý nếu không chữa trị kịp thời và đúng cách có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ, như: rối loạn lipid máu, bệnh tiểu đường, cao huyết áp, rối loạn nhịp tim hoặc các bệnh lý tim mạch khác.
Do đó cách phòng chống đột quỵ tai biến hiệu quả là hãy kiểm soát tốt các bệnh này. Hãy thăm khám kịp thời, điều trị đúng theo chỉ định của bác sĩ, bổ sung dinh dưỡng phù hợp, kiên trì điều trị và hiểu rõ bệnh của mình.
Kiểm soát tốt huyết áp là cách tốt nhất để ngăn ngừa đột quỵ.
Massage giúp lưu thông máu, ngừa đột quỵ
Bạn có biết một vài động tác massage như dưới đây cũng có thể giúp phòng ngừa được chứng đột quỵ khó lường:
- Nắm tay: Mỗi sáng, trưa, tối nắm tay không 3 lần, mỗi lần nắm từ 400 - 800 lượt để phòng tràn máu não.
- Nhún vai: Mỗi sáng tối nhún vai theo động tác lên xuống, mỗi lần thực hiện 4 - 8 phút giúp hoạt huyết thông mạch, để cung cấp động lực cho lưu lượng máu ở động mạch cổ lưu thông vào não.
- Massage cổ: Hãy chà xát hai lòng bàn tay vào nhau cho nóng, sau đó massage hai bên trái và phải của vùng cổ trong 5 phút. Động tác này giúp thúc đẩy lưu lượng máu cung cấp cho não, ngăn ngừa đột quỵ.
Massage cổ thường xuyên giúp phòng chống đau đầu, đau cổ và đột quỵ.
Giải tỏa áp lực và căng thẳng
Khi gặp stress/căng thẳng, cơ thể chúng ta sẽ tăng tiết hormone cortisol và adrenaline - đây là tác nhân gây hại với hệ tim mạch, dễ hình thành huyết khối gây tắc nghẽn mạch máu, dẫn đến nhồi máu cơ tim hay đột quỵ. Cách phòng chống đột quỵ tai biến hiệu quả là hãy cố gắng kiểm soát stress. Bạn có thể tham khảo bí quyết:
- Thở sâu khi ngồi thiền hoặc tập yoga giúp cung cấp oxy cho não.
- Thay đổi không gian sống và làm việc để cải thiện tinh thần.
- Hãy dành thời gian nghỉ ngơi, không làm việc quá sức.
- Sẻ chia, tâm sự với bạn bè và người thân về những vấn đề đang gặp trong cuộc sống.
- Tận hưởng cuộc sống bằng cách đi du lịch hoặc tự tặng cho mình những phần thưởng về vật chất hoặc tinh thần.
Sống lạc quan và tích cực giúp bạn tránh xa cơn đột quỵ.
Giữ ấm cơ thể, tránh để lạnh đột ngột
Tình trạng lạnh đột ngột làm cho các mạch máu co lại, dẫn tới tăng huyết áp, gây xuất huyết não và đột quỵ. Nhất là vào những mùa lạnh thì nguy cơ đột quỵ càng dễ xảy ra, đặc biệt ở nhóm người cao tuổi và người có bệnh nền.
Để chủ động hạn chế đột quỵ mùa lạnh, bạn nên:
- Uống nước ấm, hạn chế ăn đồ lạnh.
- Không tắm trễ sau 10h tối, cũng như không tắm nước lạnh, chỉ nên sử dụng nước ấm khoảng 37 độ C.
- Giữ ấm cơ thể bằng cách mặc nhiều lớp áo, hạn chế đi ra ngoài trời.
- Hoạt động thể dục nhẹ nhàng 30 phút để hỗ trợ tim mạch không hoạt động quá sức, bởi khi trời lạnh, cơ thể phải gắng sức hơn bình thường.
Hãy giữ ấm cơ thể khi đi ngủ và mỗi khi ra khỏi phòng để phòng tránh đột quỵ.
Kiểm tra sức khỏe định kỳ
Nếu lo lắng về việc mình có thể bị đột quỵ, hãy khám sức khỏe định kỳ ít nhất 6 tháng/lần và thực hiện tầm soát đột quỵ. Điều này giúp bạn phát hiện nguy cơ gây đột quỵ ngay từ sớm và có phương pháp chữa trị kịp thời.
Khám sức khỏe định kỳ giúp chúng ta phát hiện sớm những chỉ số không tốt của cơ thể.
Bất cứ ai cũng có thể trở thành nạn nhân của căn bệnh đột quỵ. Vì vậy, mỗi chúng ta cần chủ động thay đổi lối sống theo chiều hướng tích cực để chủ động phòng ngừa đột quỵ, hoặc hạn chế những biến chứng nguy hại mà bệnh có thể gây ra. Hy vọng bạn có thể áp dụng những phương pháp trên thật hiệu quả nhé!