15 món ngày Tết miền Bắc mang hương vị cổ truyền, đầy hấp dẫn
Món ăn ngày Tết miền Bắc và bày trí mâm cỗ là cả niềm tự hào, là nét văn hóa được các bà, các mẹ giữ gìn qua nhiều thế hệ, từ cách nêm nếm, bày trí cho đến pha chế chén nước chấm đi kèm. Bên cạnh bánh chưng, thịt mỡ, dưa hành, có những món ăn đã trở thành một phần không thể thiếu trong mâm cỗ Tết của miền Bắc nói chung, và Hà Nội nói riêng. Mỗi món ăn tựa một lời chúc năm mới đậm tình, an khang và đủ đầy.
Mục lục
Mâm cỗ ngày Tết miền Bắc – Đủ sắc lẫn vị, bày biện đẹp mắt
Mâm cỗ miền Bắc thường chú trọng cả hình thức lẫn hương vị. Riêng phần hình thức phải có ít nhất 4 bát 4 đĩa, màu sắc nổi bật tượng trưng cho tứ trụ (Giờ sinh - Ngày sinh - Tháng sinh - Năm sinh), 4 mùa trong năm (Xuân - Hạ - Thu - Đông) và 4 phương hướng (Đông - Tây - Nam - Bắc). Thậm chí, một số nơi có thể tổ chức hoành tráng hơn, có đến 6 bát 6 đĩa hay 8 bát 8 đĩa nhằm cầu nguyện tiền tài, may mắn (vì số 6, số 8 đại diện cho tài lộc).
Nếu bày biện mâm cỗ Tết 4 bát 4 đĩa thì phần 4 bát bao gồm 1 bát chân giò lợn hầm măng lưỡi, 1 bát bóng thả, 1 bát miến và 1 bát mọc nấm thả; còn phần 4 đĩa gồm 1 đĩa thịt gà luộc, 1 đĩa thịt lợn, 1 đĩa giò lụa, 1 đĩa chả quế; ngoài ra không thể quên món tráng miệng như mứt sen, mứt quất…
15 món ăn ngày Tết miền Bắc không thể thiếu
Dưới đây là danh sách các món ngon không thể vắng bóng trong hầu hết mâm cỗ của người miền Bắc:
Cá lóc kho riềng
Cá lóc kho trong bữa cơm ngày Tết miền Bắc tuy không quá mới lạ, nhưng điểm đặc biệt là luôn cho thêm củ riềng. Đây là loại củ có vị cay thơm đậm hơn gừng, vừa giúp dậy mùi món ngon, vừa có công dụng giải cảm, tăng đề kháng. Thêm nữa, muốn món cá lóc kho riềng chuẩn vị nhất, người chế biến nên ướp cá cùng tỏi, hành, tiêu, riềng… trước khi nấu 20 - 25 phút.
Cá lóc kho riềng nóng hổi, sắc nâu cánh gián đẹp mắt hợp thưởng thức trong ngày miền Bắc vào Xuân se lạnh.
Canh bóng thả
Canh bóng thả là một trong bốn món ngon ngày Tết miền Bắc, đại diện cho tứ trụ, bốn mùa và bốn phương. Tên gọi đặc biệt này đến từ nguyên liệu chính là da lợn phơi nắng gắt cho nổ chín vàng ươm, sau đó nấu cùng nước dùng ngọt thanh (được ninh từ gà, tôm nõn, hạt sen và nấm hương), hoàn toàn không gây ngấy. Món ăn lôi cuốn người thưởng thức về mặt hình thức (kết hợp đủ màu sắc từ thịt lợn, rau củ) lẫn hương vị (vị thanh mát, dễ ăn).
Ngoài cách thả trực tiếp miếng bì vào nồi nước dùng, người chế biến biến tấu thêm bằng cách cuộn miếng bì cùng trứng, giò… để trông đẹp mắt hơn.
Chân giò lợn hầm măng lưỡi
Măng lưỡi (hay măng lưỡi lợn) là một loại măng khô nổi tiếng khắp miền Bắc vì thớ dày, ít xơ. Trong số các món chế biến từ măng lưỡi, chân giò lợn hầm măng luôn là món hấp dẫn nhất, nhất định phải có trong mâm cỗ Tết. Bởi lẽ, món ngon có vị béo bùi khó quên từ chân giò hầm mềm tan và sợi măng vừa dai vừa mềm.
Giò hầm măng lưỡi giúp ấm bụng, ăn cùng cơm hay bún đều ngon.
Thịt đông
Vào những ngày Đông giá rét hay lúc Xuân sang ấm dần, người miền Bắc đặc biệt yêu thích thịt đông nên hầu hết mâm cỗ ngày Tết miền Bắc đều có món ngon này. Nguyên liệu rất đơn giản chỉ gồm thịt giò, bì nấu cùng mộc nhĩ, hạt tiêu, nêm nếm gia vị vừa ăn, rồi nấu đến khi nhừ và cho vào ngăn mát tủ lạnh đợi đông lại (*). Thành phẩm ăn kèm cơm tẻ, bánh chưng, dưa cải và hành muối chua rất ngon.
(*) Theo cách nấu truyền thống, người xưa bày thịt ra mâm, đặt dưới trời sương lạnh để thịt tự đông lại thành tảng.
Thịt càng đông cứng, vị càng đậm đà và màu càng đẹp.
Dưa món, dưa hành
Dưa món, dưa hành có vị chua mặn khó cưỡng. Món ăn này thường không thể thiếu trên mọi mâm cỗ cúng Tết của người miền Bắc. Tùy theo sở thích, bạn có thể chọn ngâm cà rốt, đu đủ xanh, su hào hoặc củ kiệu trong nước mắm đường trước ngày cúng ít nhất 2 ngày để có độ ngon hoàn hảo nhất.
Xem thêm: Cách làm dưa món thập cẩm ngon chuẩn vị 3 miền ngày Tết.
Rau củ làm dưa món kiểu miền Bắc trước khi ngâm nước mắm thường phải phơi khô một nắng.
Nem rán
Thêm một món ăn đặc trưng ngày Tết miền Bắc là nem rán (hay chả giò rán). Phần nhân đầy ụ, từ thịt nạc băm nhuyễn, tôm nõn, mộc nhĩ, miến dong, củ đậu, hành tây, su hào… được cuốn lại bằng miếng bánh tráng gạo dẻo, rồi chiên vàng giòn ngập dầu. Thành phẩm ăn kèm tương ớt cay nồng có lớp vỏ giòn rụm, màu vàng đẹp mắt và nhân ngọt thơm.
Bạn tò mò muốn biết cách làm nem rán chuẩn vị miền Bắc? Tham khảo ngay TẠI ĐÂY nhé!
Theo quan niệm của người miền Bắc, cuốn nem càng tròn, càng đầy thì năm mới càng may mắn, hạnh phúc.
Rau củ luộc chấm nước mắm ớt
Nếu miền Nam nổi tiếng với món rau củ luộc chấm kho quẹt thì miền Bắc lại yêu thích chấm nước mắm ớt trực tiếp. Vì hiếm có ai có thể cưỡng lại vị mặn đậm đà, hậu ngọt cá tươi của mắm nhĩ, kèm mùi thơm nồng xen lẫn hương vị cay the của tỏi, ớt tươi băm nhuyễn. Riêng đĩa rau củ luộc ưu tiên những loại có màu nổi bật như cà rốt, đậu bắp, ớt chuông… để trang trí bàn cỗ đẹp mắt hơn.
Rau củ luộc là món giải ngấy lý tưởng cho các bữa tiệc tùng nhiều thịt mỡ.
Các món nộm
Một mâm cỗ dâng tổ tiên, ông bà trong ngày Tết Cổ truyền không thể không có những món nộm chua ngọt kích thích vị giác, chẳng hạn như nộm đu đủ bò khô, nộm tôm su hào, nộm sứa, nộm hoa chuối, nộm cá mè… Điểm chung của tất cả các loại nộm bày biện trên mâm cúng/mâm cơm ngày Tết miền Bắc là nhất định phải có nước mắm chua ngọt và nước cốt chanh để trộn nguyên liệu cho thấm đều, bắt miệng.
Món nộm miền Bắc ưu tiên vị mặn ngọt càng rõ càng tốt.
Miến măng gà
Thêm một món ngon miền Bắc đãi khách từ măng lưỡi lợn là miến măng gà. Không chỉ giàu dinh dưỡng (như chất đạm từ thịt vịt, chất xơ tốt cho hệ tiêu hóa…), món ngon còn có nước dùng thanh đạm, hợp giải ngấy trong mùa Tết đầy ắp bánh chưng, bánh tét. Tùy theo sở thích, bạn có thể thêm chút hạt tiêu hoặc ớt tươi để kích thích vị giác hơn nhé.
Miến măng gà vô cùng thanh đạm, dễ ăn.
Gà luộc
Gà luộc là món ăn xuất hiện trên hầu hết mâm cỗ cả ở ba miền Bắc - Trung - Nam, nhưng cách luộc gà sao cho chuẩn miền Bắc lại đòi hỏi kỹ thuật nấu nướng điêu luyện hơn thảy. Cụ thể, người chế biến ưu tiên chọn gà trống thiến để miếng thịt dày, giòn, vàng ươm đẹp mắt; ướp cùng nước mắm ngon, muối, tiêu, mì chính, đầu hành đập dập trước khi luộc giúp thịt ngọt hơn và phải xối qua nước lạnh khi chín tới cho phần da giữ độ giòn dai.
Gà luộc kiểu miền Bắc có phần da giòn vàng ươm và thớ thịt dai ngọt.
Chè kho
Chè kho (hay chè khoán, chè con ong) là món tráng miệng quen thuộc trên bàn tiệc cỗ của mọi gia đình người Bắc nhằm thể hiện ý nghĩa cầu mong sự may mắn, sung túc cho mọi thành viên. Chỉ từ hai nguyên liệu dân dã gồm đậu xanh và đường trắng (hoặc nước cốt dừa) tạo ra thành phẩm có màu vàng ươm thích mắt, vị ngọt thanh khó quên.
Vị ngọt thanh từ chè kho rất thích hợp tráng miệng sau bữa cỗ Tết.
Bánh chưng, bánh dày
Thực đơn ngày Tết miền Bắc không thể nào trọn vẹn nếu thiếu đi món bánh chưng và bánh dày. Bởi, cả hai góp phần thể hiện sự cân bằng trong cuộc sống (vì tượng trưng cho Đất và Trời), ngụ ý năm mới hạnh phúc vẹn tròn. Bên cạnh đó, theo quan niệm của người Việt Nam, bánh chưng - bánh dày còn thể hiện sự biết ơn trời đất cho mưa thuận gió hòa cả năm và tri ân nghĩa sinh thành của cha mẹ.
Bánh chưng - bánh dày là hai món chính trong mọi bữa tiệc của người miền Bắc.
Xôi gấc
Ngoài bánh chưng, bánh dày, xôi gấc cũng là một món phải có trên mâm cỗ ngày Tết. Vì màu đỏ nổi bật của món ngon giúp mang đến sự may mắn cho mọi người, mọi nhà; đồng thời sử dụng nguyên liệu chính là nếp thể hiện lòng biết ơn công sức của tổ tiên theo nghề trồng lúa nước hàng nghìn năm. Theo đó, bí quyết làm xôi gấc dẻo thơm đúng điệu miền Bắc là phải ngâm nếp với nước lạnh 6 - 8 tiếng trước khi nấu và trộn hạt gấc với chút rượu, muối cho màu đỏ đẹp hơn.
Màu đỏ đẹp mắt của xôi gấc giúp chủ nhà thu hút tài lộc, vận may cho năm mới.
Giò lụa, giò thủ
Chỉ từ thịt lợn, người miền Bắc tạo nên hai tuyệt phẩm hấp dẫn với độ dai giòn khó cưỡng, vị đậm đà khó quên là giò lụa và giò thủ. Trong đó, giò lụa làm từ thịt lợn xay nhuyễn mịn, nêm nếm gia vị cùng bột năng, bột nở và gói trong lá chuối tươi rồi luộc ngập nước. Còn giò thủ (hay còn gọi là giò xào) gồm tai heo, mộc nhĩ, nấm đông cô, ướp gia vị và xào chín, sau đó gói bằng lá chuối, bỏ ngăn mát tủ lạnh dùng dần.
Giò chả kiểu Bắc làm từ 100% thịt lợn, có hương vị đậm đà.
Miến xào thập cẩm
Thỉnh thoảng trên bàn cỗ kiểu miền Bắc có thêm miến dong xào thập cẩm. Món ăn là sự kết hợp hài hòa giữa sợi dong dai dai, đủ loại rau củ rực rỡ sắc màu (như cà rốt, nấm mèo, ớt chuông, rau cải…), chả giò thái nhỏ và trứng chiên thái sợi đậm vị. Thêm vào đó muốn món ngon đúng điệu chắc chắn không thể quên chén nước tương tỏi ớt cay thơm ăn kèm.
Món miến xào thập cẩm góp phần làm cho bữa cỗ tròn đầy hơn.
Đến đây, hy vọng bạn đã có thêm nhiều kiến thức thú vị về những món ăn ngày Tết miền Bắc. Có thể thấy, trong mâm cỗ ngày Tết Nguyên đán của người miền Bắc Việt Nam không thể thiếu chén nước chấm (nhất là nước mắm) giúp thưởng thức trọn vẹn hương vị mọi món ngon. Chưa kể, nước mắm còn là một trong các loại gia vị cần thiết khi nêm nếm/chế biến giúp mỗi món bày biện thắp hương ông bà, tổ tiên đều thơm ngon.
Được đông đảo người tiêu dùng khắp Việt Nam nói chung, miền Bắc nói riêng yêu thích, nước mắm Nam Ngư luôn có mặt ở mỗi góc bếp của từng nhà. Vì không chỉ sở hữu vị mặn ngọt sánh quyện độc đáo, được chắt chiu từ tinh túy biển Đông, sản phẩm còn cam kết quy trình sản xuất khép kín, an toàn vì sức khỏe người dùng.
Bộ sưu tập nước mắm Nam Ngư hiện được bày bán trên thị trường bao gồm:
- Nước mắm Nam Ngư Cá Cơm Tươi.
- Nước mắm Nam Ngư Phú Quốc.
- Nước mắm Nam Ngư Nhãn Vàng.
- Nước chấm Nam Ngư Đệ Nhị.
- Nước chấm Nam Ngư Siêu Tiết Kiệm.
- Nước chấm Nam Ngư Tỏi Ớt Lý Sơn.
- Nước chấm Nam Ngư Me Tươi Nam Bộ.
- Nước chấm Nam Ngư Ớt Gừng Kỳ Sơn.
Bộ sưu tập nước mắm Nam Ngư chinh phục hoàn toàn khẩu vị hàng triệu khách hàng ngay từ lần đầu tiên thưởng thức.
Khách hàng có thể dễ dàng tìm hiểu thông tin chi tiết của từng sản phẩm kể trên: TẠI ĐÂY.
>> Xem thêm: