Bật mí cách làm nước tương đơn giản, đậm đà và thơm ngon
Nước tương (hay còn gọi là xì dầu) là loại gia vị quen thuộc, không thể thiếu trong bữa ăn của người Việt. Thay vì đi mua, nhiều người lại thích tự làm nước tương tại nhà để tiết kiệm và đảm bảo chất lượng. Bài viết dưới đây là hướng dẫn cách làm nước tương ngon, tham khảo ngay bạn nhé.
Mục lục
Cách làm nước tương đơn giản tại nhà
Để làm nước tương ngon, bạn cần chọn đậu nành chất lượng và làm theo các bước sau đây:
Nguyên liệu
- Đậu nành: 1kg.
- Gạo lứt: 2 lạng.
- Muối: 8 lạng.
- Nước: 5 lít.
Cách thực hiện
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu.
- Đậu nành rửa sạch và ngâm qua đêm.
- Gạo lứt rửa sạch, vẩy ráo nước và mang đi rang vàng. Sau đó xay gạo thành bột (gọi là thính).
Bước 2: Nấu đậu nành.
- Cho đậu nành vào nước, nấu đến khi đậu chín rồi vớt ra rổ (không cần chín nhừ, đậu mềm là được).
- Cho đậu vào thau trộn đều với thính gạo lứt. Tiếp đó là trải đậu nành ra mâm và dùng giấy báo đậy kín để lên men. Bạn nên để đậu nành ở nơi tối sẽ lên men tốt hơn, tránh để đậu ra ngoài nắng.
Đậu nành sau khi nấu chín thì trộn đều với thính để lên men.
Bước 3: Quá trình lên men.
- Sau 1 - 2 ngày, đậu nành đã lên mốc hoa cau có màu trắng đục hoặc vàng cam. Nếu mốc màu đen thì bạn nên bỏ mẻ đậu và làm lại nhé.
- Tiếp đó, bạn cho muối vào nước, đun sôi đến khi muối tan. Hỗn hợp nước muối nguội thì cho vào bình thủy tinh/gốm/sành. Không nên dùng bình nhựa hoặc kim loại sẽ không tốt khi lên men.
- Khi đậu nành đã lên hết mốc, bạn bỏ phần giấy báo rồi cho đậu vào bình nước muối đã chuẩn bị và đậy kín, bọc nilon quanh nắp để tạo môi trường yếm khí.
- Đặt bình đậu nành ở nơi nhiều nắng, nắng càng to càng tốt. Phơi trong khoảng 3 tháng là đã thu được nước tương ngon rồi.
Bước 4: Pha chế nước tương.
- Nước tương thu được còn khá mặn và khó ăn. Bạn có thể sên 1 quả dứa với 2 lạng đường mật rồi nấu cùng với 1 lít nước tương cốt. Cho thêm một ít nước cốt dừa để màu đẹp hơn. Khi nước tương nguội thì cho vào chai dùng dần.
- Phần đậu còn lại, bạn có thể ngâm với nước muối (3 lít nước + 3 bát cơm muối đun sôi để nguội) và ủ trong 2 tháng là có thêm nước tương loại 2 để dùng.
- Đậu nành sau khi ủ xong có thể trộn với 2 lạng đường mật để làm món tương hột.
Nước tương sau khi ủ có thể pha chế thêm để dễ ăn hơn.
Gợi ý 4 công thức pha nước tương ngon
Dưới đây là các công thức pha nước tương đậm đà để ăn cùng nhiều món ngon như bột chiên, bún,… Cụ thể như sau:
Cách làm nước tương ăn bột chiên
Nguyên liệu:
- Nước tương.
- 1 thìa canh giấm.
- 1 thìa canh nước dừa.
- Gia vị như đường, muối, ớt,…
Cách thực hiện:
Bước 1: Trộn đều 4 thìa canh nước tương, 2 thìa canh nước lọc, 1 thìa canh giấm và 1 thìa cà phê đường. Sau đó cho 1 thìa canh nước dừa vào để nước tương thêm dịu. Nếu thích ăn cay thì bạn có thể thêm ớt vào.
Bước 2: Cho hỗn hợp nước tương vào nồi nhỏ, đun sôi và nêm nếm lại cho vừa miệng. Sau đó tắt bếp, để nguội và cho ra chén để thưởng thức.
Cách làm nước tương ăn bún
Nguyên liệu:
- 3 thìa canh nước tương.
- 1 thìa canh đường.
- 1 thìa canh nước cốt chanh.
- 50ml nước lọc.
- Tỏi, ớt.
Cách thực hiện:
Trộn đều các nguyên liệu lại với nhau đến khi đường tan hết. Sau đó nêm nếm thêm cho hợp với khẩu vị là đã xong chén nước tương chua ngọt ăn cùng bún.
Cách pha nước tương tỏi ớt
Nguyên liệu:
- 4 thìa canh nước tương.
- 1 thìa canh đường.
- Gia vị như tỏi, ớt.
Cách thực hiện:
Bạn cho tất cả nguyên liệu vào bát, khuấy đều để tan hết đường. Thử nêm nếm xem đã vừa miệng chưa và điều chỉnh thêm nếu cần. Vậy là đã xong bát nước tương tỏi ớt thơm ngon.
Cách làm nước chấm tương hột
Nguyên liệu:
- 1 hũ tương hột.
- 50g đậu phộng.
- 50g củ trắng.
- 100g cà rốt.
- Đường, giấm, tỏi băm, ớt.
Cách thực hiện:
Bước 1: Cà rốt và củ cải rửa sạch, bào sợi. Sau đó mang hỗn hợp này trộn đều với đường, giấm và để trong tủ lạnh khoảng 2 tiếng.
Bước 2: Làm nóng chảo, phi thơm tỏi rồi cho tương hột đã băm vào xào rồi tắt bếp và để tương ngội. Tiếp đến là trộn tương hột với đường, dấm, ớt và khuấy đều đến khi hỗn hợp sánh mịn.
Bước 3: Rang đậu phộng và giã nhuyễn, rồi cho vào nước tương cùng cà rốt, củ cải bào sợi là xong.
Nước chấm tương hột thường dùng để ăn cùng gỏi cuốn.
Cần lưu ý gì để pha nước tương ngon?
Để có bát nước tương thơm ngon, bạn cần lưu ý một số điều sau:
- Nếu nước chấm cần pha thêm nước lọc, bạn có thể dùng nước dừa thay nước lọc để tăng hương vị.
- Chọn nước tương đậm đặc ít muối để sau khi pha xong không bị quá mặn.
- Nếu muốn dùng được nước tương lâu, bạn có thể nấu sôi, vớt hết bọt, để nguội và cho vào tủ lạnh. Khi nào ăn thì chỉ cần cho thêm ớt, tỏi là xong.
- Nên băm tỏi trước rồi mới tới ớt để không làm tỏi bị dính màu đỏ của ớt.
- Có thể kết hợp ớt sừng và ớt hiểm để nước tương thêm đẹp và cay.
Bài viết trên là cách làm nước tương tại nhà và các lưu ý khi pha. Hy vọng những thông tin trong bài viết sẽ giúp bạn biết cách pha nước tương ngon để bữa ăn thêm ngon miệng. Hãy bắt tay vào làm ngay thôi bạn ơi!
>> Xem thêm: